Hôm ấy Bác đáp tàu từ Hà Nội lên thăm tỉnh Lao Cai. Tư được phân công phục vụ toa có Bác. Thoạt đầu, đứng trên toa anh nhìn xuống sân ga trông rõ Người. Tư quýnh lên xoay mãi quả đấm cửa mà không mở được.
Ngày thường anh chỉ “xoạch” một cái là đẩy rộng cửa ra. Bác đưa tay làm hiệu bảo Tư cứ từ từ, bình tĩnh. Thật anh không ngờ hôm này được dịp thuận lợi nhất để tỏ lòng kính yêu Bác. Theo thói quen, anh đã chăm sóc toa xe sạch sẽ bóng lộn. Cả bàn ghế cũng đã sáng loáng như gương. Thế mà anh vẫn thấy mình như chưa tròn nhiệm vụ. Tư mời Bác nghỉ lưng, Bác ôn tồn bảo:
- Chú để mặc Bác.
Tàu vẫn chạy như thường ngày mà sao Tư thấy lắc nhiều Tư lo cho Bác không được yên tĩnh. Mặt trời từ từ vén sương núi ngoi lên vàng chóe. Bình minh ở miền trung du thật là đẹp đẽ dịu dàng. Bác từ trong xe bước ra vui vẻ hỏi ý kiến đồng chí trật tự viên.
- Chú có thể cho Bác đứng ở đầu toa ngắm phong cảnh chứ?
Đồng chí trật tự vâng một tiếng nhẹ và cúi xuống đóng chấn song cửa cẩn thẩn.
Tàu chạy nhanh. Vẻ mặt Bác hồng hào. Gió lùa chòm râu bạc bay lướt qua trên các cách đồng xanh mướt và núi rừng trùng điệp. Chiếc áo màu nâu giản dị phấp phới. Đồng chí trật tự đứng bên cạnh ngắm nhìn Người không chớp mắt cũng như Người say sưa cảnh vật. Một chốc Bác bắt đầu trò chuyện với anh em. Bác xoay qua Tư hỏi:
- Chú đi tập kết có gia đình đi không?
- Dạ thưa Bác, không ạ.
- Có nhớ vợ con không?
- Dạ có.
- Nhớ nhiều không?
- Dạ nhiều.
- Thế là tốt. Càng nhớ càng cố gắng làm việc nhé. Bác hỏi đến cô Thọ, nhân viên trên tàu:
- Quê cháu ở đâu?
- Thưa Bác, cháu ở Hồng Quảng.
- Công tác ngành đường sắt được bao lâu rồi?
- Dạ cháu đã làm hơn ba năm.
Bác cười:
- Ở ngành nào cũng đều có mặt các cháu gái, thế là tốt.
Khi tàu đỗ, Bác đi thoăn thoát lên đầu máy. Đồng chí Thị lái tàu và anh em đốt than, phụ việc, kiểm tu tay còn than bụi dầu mỡ nhọ nhem, thấy Bác đến thì luống cuống. Tất cả đứng thẳng mà hai bàn chân cứ nhấp nhổm muốn nhảy cỡn lên. Bác chìa tay ra. Có đồng chí vì tự thấy tay mình bẩn quá không dám bắt tay Bác. Bác ôn tồn bảo.
- Chính là có than bụi bám bàn tay các chú thì Bác và bà con đây mới ngồi thảnh thời mà vẫn đi đến nơi về đến chốn được.
Thế là mọi người đều mạnh dạn đưa bàn tay đen sạm âu yếm nắm tay Bác. Đồng chí Thị già cảm động quả cầm giữ bàn tay Bác một hồi lâu.
Bác chúc anh em kéo hàng vượt mức và đạt kỷ lục tiết kiệm than cao hơn nữa.
Ở Lào Cai, Bác lên tàu rất đúng giờ. Tàu bắt đầu chạy mà còn hai đồng chí làm công tác báo chí và điện ảnh đến muộn, xách cặp vác máy chạy theo vẫn gọi tàu. Bác đồng ý đề nghị của anh em công nhân đỗ tàu lại vài phút đợi. Khi hai đồng chí leo được lên tàu yên ổn, Bác mới phê bình:
- Báo chí, điện ảnh thì phải đi trước chứ. Các chú đừng để phải chạy theo sau đoàn tàu nữa nhé!
Hai đồng chí ngồi vào toa đưa mắt nhìn nhau bẽn lẽn.
Bác đi thăm nhiều nơi: Lào Cai, mỏ A-pa-tít, cầu Làng Giàng, thị xã Yên Bái. Nơi nào cũng đông nghịch đồng bào và công nhân nghe Bác nói chuyện. Nhất là thiếu nhi thì nhanh tay nhanh chân hơn cả. Các em vừa hoan hô vừa đổ về Bác như làn sóng nhỏ cuốn vào bờ.
Bác về đến Hà Nội lâu rồi mà dư âm của chuyến đi còn truyền mãi.