Ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng. Theo đó, Nghị định quy định về hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt. Cụ thể, hình thức xử phạt chính gồm: Cảnh cáo; phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 3 tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Nghị định cũng quy định mức phạt tiền tối đa trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng; trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 24; Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 59, Điểm a Khoản 3 Điều 64, Điều 65, Khoản 1 (trừ Điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng; những biện pháp khác được quy định cụ thể tại Nghị định này.
Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VI Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Thẩm quyền phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân bằng 1/2 lần thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.
Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, sản xuất vật liệu xây dựng; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, phát triển nhà.
Nghị định này quy định bổ sung một số điểm mới và tăng nặng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính về quy hoạch, xây dựng so với mức phạt trước đây. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ báo cáo kết quả khảo sát xây dựng theo quy định.
- Phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh hoặc đồ án điều chỉnh quy hoạch không đúng yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và thời gian quy định;
+ Không lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến không đúng quy định của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định;
+ Tổ chức lập bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) không phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng.
- Tăng mạnh mức phạt hành vi xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh:
+ Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác.
+ Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Phạt nặng đối với hành vi thi công công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, cụ thể mức phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 60- 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
+ Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
+ Phạt tiền từ 120-140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Tăng mạnh mức phạt hành vi không lắp đặt biển báo tại công trình xây dựng với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định.
- Bổ sung mức phạt với hành vi để NLĐ không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn với mức phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân tham gia lao động trong thi công xây dựng công trình.
Nghị định quy định mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lí, sử dụng công trình trong việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng không đủ điều kiện năng lực khi tham gia khảo sát xây dựng; thiết kế quy hoạch xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng; thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng công trình; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; kiểm định xây dựng; thí nghiệm chuyên ngành xây dựng. Mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với một trong các hành vi không gửi văn bản thông báo ngày khởi công (kèm bản sao giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kê xây dựng) cho cơ quan có thẩm quyền; không thông báo, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về thời điểm khởi công xây dựng hoặc có thông báo nhưng không gửi kèm hồ sơ thiết kế xây dựng với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng…
Ngoài ra, Nghị định còn quy định, tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối hoặc cản trở người thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này thì bị xử phạt hành chính theo hình thức, mức phạt đối với hành vi chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.