TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, GIÁM SÁT SAU CẤP PHÉP ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG CÁC KCN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN.

Quản lý, giám sát sau cấp phép đối với các dự án đầu tư nhằm kiểm soát chặt chẽ công tác triển khai dự án, chấp hành pháp luật của các chủ đầu tư sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh, cũng như những vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, để có biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ và xử lý kịp thời theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng định hướng và đúng quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu công nghiệp (KCN).

Khi mới thành lập năm 2003, trên địa bàn tỉnh chỉ có 30 dự án đầu tư tại KCN Phố Nối A được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép và trực tiếp cho thuê đất, trong đó có 25 dự án có vốn đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký 1.896 tỷ và 05 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký 39,3 triệu đô la Mỹ. Sau 10 năm xây dựng và phát triển, đến hết tháng 6 năm 2013 tại các KCN tỉnh đã có 200 dự án đầu tư, bao gồm: 93 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 8.581 tỷ đồng và 107 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.731 triệu USD, tập trung tại 03 KCN là: KCN Phố Nối A, KCN Phối Nối B (gồm KCN Thăng Long II và KCN Dệt May) và KCN Minh Đức.

Trong những năm qua, bên cạnh việc cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thường xuyên thực hiện công tác giám sát sau cấp phép đối với các dự án, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 quy định về việc giám sát và đánh giá đầu tư. Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tích cực triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp KCN thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư định kỳ về Ban theo quy định, qua đó từng bước nâng cao được số lượng, chất lượng báo cáo của doanh nghiệp và đã dần đi vào nề nếp; tỷ lệ thực hiện nộp báo cáo của các doanh nghiệp KCN đến nay đạt khoảng 70%. Ngoài việc giám sát qua báo cáo, hàng năm Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát tại địa điểm thực hiện trung bình đối với khoảng 20 lượt dự án (tập trung vào các dự án không có báo cáo giám sát hoặc báo cáo không đầy đủ thông tin) và phối hợp, tham gia đầy đủ các đoàn thanh tra, kiểm tra do các sở, ngành tổ chức.

Thông qua báo cáo của doanh nghiệp và kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tích cực đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời đối với các dự án chậm tiến độ hoặc chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý đối với các vi phạm của chủ đầu tư, cũng như có biện pháp hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư. Những trường hợp dự án không có khả năng triển khai, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã yêu cầu Chủ đầu tư thực hiện việc chấm dứt hoạt động của dự án hoặc trực tiếp quyết định chấm dứt hoạt động trước thời hạn đối với các dự án vi phạm quy định về tiến độ đầu tư, không triển khai thực hiện dự án trong thời gian dài.

Kết quả trong giai đoạn vừa qua, Ban Quản các KCN tỉnh đã quyết định chấm dứt hoạt động trước thời hạn đối với 06 dự án và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chấm dứt đối với 15 dự; trong đó có 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là  43,6 triệu USD và 10 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 868,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng có một số dự án sau khi được tháo gỡ vướng mắc đã tiếp tục triển khai có kết quả như: dự án của Công ty TNHH Corona Việt Nam, dự án của Công ty Cổ phần Kerry Integrated Logistics (Hưng Yên), dự án của Công ty kết cấu thép Đầu tư & Xây lắp Thuận Phát …

 Trong năm 2012, triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, cụm CN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động của các dự án đầu tư trong các KCN của tỉnh. Qua rà soát, đánh giá cho thấy nhìn chung các dự án đầu tư vào các KCN có tiến độ triển khai nhanh và cơ bản đảm bảo được tiến độ thực hiện dự án đăng ký tại Giấy chứng nhận đầu tư. Số dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh là 161 dự án (chiếm 80,5% tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực), trong đó: có trên 100 dự án đã cơ bản hoàn thành các nội dung đầu tư theo đăng ký và có khoảng 15% trong số dự án này sau thời gian đi vào hoạt động ổn định đã thực hiện đăng ký tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất; có 04 dự án do gặp khó khăn đang phải tạm ngừng hoạt động. Số dự án chậm triển khai hoặc không có khả năng tiếp tục thực hiện là 07 dự án, bao gồm: dự án của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh thép Hưng Yên, dự án của Công ty Bibica Miền Bắc TNHH, dự án của Công ty TNHH Sufat Việt Nam, dự án của Công ty TNHH Công nghệ Kin Tec Việt Nam, dự án mở rộng của Công ty cổ phần Ngọc Diệp, dự án của Công ty TNHH thép Nhật Quang và dự án di chuyển xưởng luyện cán thép của Công ty cổ phần Việt Ý.

Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án trong các KCN tỉnh đến hết tháng 6 năm 2013 khoảng 1.380 triệu USD (bằng 79,7% tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư nước ngoài) và 6.640 tỷ đồng (bằng 77,4% tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư trong nước). Một số doanh nghiệp tiêu biểu có tiến độ triển khai dự án nhanh và chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại các KCN là: Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam II, Công ty TNHH Shindengen Việt Nam, Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam, Công ty TNHH Quốc tế IDE, Chi nhánh Công ty TNHH Lixil Inax Việt Nam tại Hưng Yên…

Nhìn chung, công tác quản lý, giám sát sau cấp phép đối với các dự án đầu tư trong các KCN của Ban Quản lý các KCN tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên hiệu quả chưa cao do gặp phải một số vướng mắc, bất cập sau đây:

Một là: Vẫn còn nhiều doanh nghiệp (khoảng 30%) chưa chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về báo cáo thống kê, việc nộp báo cáo của một số doanh nghiệp còn mang tính hình thức, đối phó hoặc do nghiệp vụ kế toán, tổng hợp thực hiện báo cáo của cán bộ tại nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu nên số liệu không chính xác, chất lượng báo cáo thấp; việc này gây khó khăn cho Ban Quản lý các KCN tỉnh trong công tác tổng hợp cũng như đánh giá chính xác tình hình thực hiện dự án đầu tư.

Hai là: Công tác xử lý vi phạm qua giám sát của Ban Quản lý các KCN và chấp hành các biện pháp xử lý của các doanh nghiệp còn hạn chế và chưa triệt để. Nguyên nhân là do Ban Quản lý các KCN tỉnh chưa có đủ điều kiện để thành lập bộ phận thanh tra,  khi phát hiện sai phạm thì không đủ thẩm quyền xử lý mà phải báo cáo, phối hợp với các cơ quan hoặc đề nghị lên UBND tỉnh xem xét quyết định, trong khi việc phối hợp kiểm tra, thanh tra cùng các sở, ngành còn nhiều khó khăn, vướng mắc và thiếu chặt chẽ.

Ba là: Việc chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và thanh lý dự án đầu tư còn gặp vướng mắc, nhiều trường hợp để kéo dài, nhất là đối với một số trường hợp chủ đầu tư nước ngoài không triển khai thực hiện dự án, đã bỏ về nước, các cơ quan quản lý nhà nước không liên hệ được với chủ đầu tư để thực hiện thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, tại các KCN tỉnh vẫn còn một số dự án mặc dù chấm dứt hoạt động đã lâu nhưng doanh nghiệp không hoàn thành thủ tục thanh lý dự án theo quy định là: dự án của Công ty TNHH Dos Tex Việt Nam, dự án của Công ty TNHH U Win Việt Nam, dự án của  Công ty TNHH Cơ khí Ki Nhi …Những tồn tại chưa được giải quyết triệt để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung. Nguyên nhân chủ yếu do các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục giải quyết và xử lý đối với một số trường hợp như: Nhà đầu tư không thực hiện giải thể doanh nghiệp, thanh dự án đầu tư theo quyết định thu hồi GCNĐT của cơ quan có thẩm quyền; doanh nghiệp không hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp, thanh lý dự án theo quyết định chấm dứt hoạt động dự án và giải thể doanh nghiệp của chủ sở hữu.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát đối với các dự án đầu tư, trong thời gian tới Ban Quản lý các KCN tỉnh tập trung triển khai một số giải pháp sau đây:

Một là: Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý sau cấp phép; đồng thời tiếp tục  tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc việc chấp hành báo cáo của các doanh nghiệp.

Hai là: Hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, cụ thể đối với các dự án chậm tiến độ, có dấu hiệu vi phạm về môi trường, xây dựng, sử dụng lao động …; phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ngành trong việc xử lý các vi phạm của chủ đầu tư, đặc biệt đối với các doanh nghiệp cố tình không chấp hành các biện pháp xử lý.   

Ba là: Tiếp tục tổng hợp những vướng mắc từ thực tế thực hiện, tham mưu và đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với KCN, KCX, KKT như: quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền  của Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT  trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các dự án đầu tư trong các KCN, KCX, KKT; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của chủ đầu tư, doanh nghiệp trong việc nộp báo cáo tình hình thực hiện dự án, cũng như chế tài xử lý, thẩm quyền xử lý của Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT đối với các trường hợp không thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định; quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục và chế tài xử lý đối với trường hợp chủ đầu tư nước ngoài không thực hiện dự án đầu tư, đã bỏ về nước và trường hợp nhà đầu tư không thực hiện giải thể doanh nghiệp, thanh dự án đầu tư theo quy định.