Với lợi thế vị trí địa lý nằm phía Đông Nam của thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cùng với khả năng tiếp cận nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng từ các thành phố lớn và tận dụng tốt được các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn của nhà nước đã đầu tư trên địa bàn. Hưng Yên có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Trong 10 năm qua, việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả khả quan. Chính sự thu hút đầu tư phát triển các KCN đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh.
Năm 2003, Khu công nghiệp Phố Nối A là KCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập, tại thời điểm này trong KCN đã có 30 dự án đầu tư được UBND tỉnh cho thuê đất, trong đó 05 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 25 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 24,8 triệu USD và 1.544 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 13 KCN với tổng diện tích 3.685 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch các KCN ở Việt Nam. Trong đó, 03 KCN đã được thành lập và đang hoạt động, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để tiếp nhận các dự án đầu tư, gồm: KCN Phố Nối A, KCN dệt may Phố Nối (thuộc KCN Phố Nối B), và KCN Thăng Long II (thuộc KCN Phố Nối B).
Trong 10 năm qua, các KCN đi vào hoạt động đã tiếp nhận thêm được 207 dự án đầu tư, trong đó 125 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 82 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.765 triệu USD và 7.050 tỷ đồng. Các dự án thu hút đầu tư vào trong KCN tập trung chủ yếu tập trung vào các ngành nghề lĩnh vực: sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử: 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 337 triệu USD và 197 tỷ đồng; sản xuất gia công cơ khí và lắp ráp máy móc, thiết bị: 40 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 289 triệu USD và 350 tỷ đồng; Sản xuất thép và các sản phẩm từ thép 19 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 16 triệu USD và 2.569 tỷ đồng; Dệt may 18 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 59 triệu USD và 477 tỷ đồng; Sản xuất thức ăn chăn nuôi 6 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 42 triệu USD và 167 tỷ đồng…
Trong số 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất: 69 dự án với tổng vốn đăng ký 1.402 triệu USD, chiếm 62% về số lượng dự án và 81% tổng vốn FDI trong các KCN; Hàn Quốc đứng thứ 2: 27 dự án với tổng vốn đăng ký 175 triệu USD, chiếm 25% về số lượng dự án và 10% tổng vốn FDI trong các KCN các quốc gia còn lại như (Anh, Mỹ, Ý, Hà Lan, Trung Quốc, Thái Lan…) có 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 166 triệu USD, chiếm 15% về số lượng dự án và 9% tổng vốn FDI trong các KCN.
Các khu công nghiệp được thành lập và quản lý theo quy chế KCN tập trung đều được đầu tư hạ tầng đồng bộ, cùng với cơ chế phân cấp, uỷ quyền cho Ban Quản lý các KCN Hưng Yên giải quyết các thủ tục hành chính đã tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn được một số dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao của các Tập đoàn kinh tế lớn có uy tín và thương hiệu trên thế giới như: Dự án Hoya Glass Disk Việt Nam II của Công ty TNHH Hoya Glassdisk với vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD, dự án sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử kỹ thuật cao của Công ty TNHH điện tử Canon Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký 128 triệu USD; Dự án sản xuất các sản phẩm SMD của Công ty TNHH Kyocera Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 76 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất nhôm Hyundai Aluminium Vina của Công ty TNHH nhôm Hyundai Aluminium Vina, với tổng vốn đầu tư đăng ký 78 triệu USD; Dự án sản xuất vật liệu cực dương của pin lithium dùng cho ngành hàng không vũ trụ và ô tô Công ty TNHH SOC Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 41 triệu USD; Dự án sản xuất cánh sau và trục mô men cho máy bay thương mại của Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 42 triệu USD,…
Năm 2008, khi KCN Thăng Long đi vào hoạt động, với việc đảm bảo tốt về hạ tầng khu công nghiệp và khả năng kinh nghiệm của chủ đầu tư trong công tác xúc tiến đầu tư, việc thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào trong các KCN giai đoạn này tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nếu như giai đoạn 5 năm 2003-2007, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào trong các KCN là 33 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 319 triệu USD, suất vốn bình quân là 9,7 triệu USD/dự án và 3,2 triệu USD/ha. Thì trong giai đoạn 5 năm 2008-2012, số dự án nước ngoài thu hút đầu tư vào trong KCN là 66 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.334 triệu USD, tăng 2 lần về số dự án và tăng 4 lần về vốn đầu tư đăng ký, suất vốn bình quân là 20 triệu USD/dự án và 7,7 triệu USD/ha.
Cũng trong gian đoạn này, Ban Quản lý các KCN Hưng Yên đã thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho trên 70 lượt dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng 282 triệu USD và 2.435 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án, đặc bịệt là thời điểm các năm 2008-2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nên đã phải chấm dứt hoạt động dự án trước thời hạn. Ban Quản lý các KCN Hưng Yên đã thực hiện chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư cho 34 dự án, trong đó 17 dự án đầu tư nước ngoài và 17 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư giảm 53 triệu USD và 1.233 tỷ đồng.
Đến nay trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 203 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó 110 dự án đầu tư nước ngoài và 93 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.736 triệu USD và 8.561 tỷ đồng. Trong số các dự án còn hiệu lực có 161 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 27.000 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng đối với lao động trực tiếp và trên 7 triệu đồng/người/tháng đối với lao động gián tiếp.
Trong 10 năm qua, việc thu hút đầu tư vào trong các KCN đã bước đầu đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thu hút đầu tư vào trong các KCN vẫn biểu hiện một số hạn chế:
- Các dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao tiếp nhận vào các KCN còn ít. Trong số các dự án đăng ký đầu tư vào trong KCN chỉ có 02 dự án có quy mô vốn đầu tư trên 100 triệu USD; 01 dự án đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 03 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao hoặc sản phẩm phụ trợ công nghệ cao.
- Số lượng các dự án đầu tư vào các KCN tập trung đã tăng lên nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư vào các KCN trên địa địa bàn tỉnh. Số dự án đầu tư vào trong KCN vẫn chiếm tỷ trọng thấp so với tổng số dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong số 1.057 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh (gồm 253 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 804 dư án có vốn đầu tư trong nước), thì trong các KCN trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 43% về số dự án đầu tư nước ngoài và 12% dự án đầu tư trong nước.
- Số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít so với mặt bằng chung của các địa phương khác trong khu vực, chưa thu hút được nhiều các dự án từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ và EU. Trong số 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thì Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 90% về số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký.
Những tồn tại hạn chế trong hoạt động thu hút đầu tư nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, Đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN còn chậm, chưa đảm bảo được đầy đủ mặt bằng để tiếp nhận các dự án đầu tư. Hưng Yên có 13 KCN với tổng diện tích 3.685 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch các KCN ở Việt Nam, trong đó 11 KCN với tổng diện tích 2.485 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên trong giai đoạn 2003-2008 mới chỉ có KCN Phố Nối A (390ha) và KCN Dệt May –Phố Nối (25ha) đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư. Trong khi đó, KCN Phố Nối A được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, nên có thời điểm chưa đảm bảo đầy đủ mặt bằng để tiếp nhận các dự án đầu tư. Năm 2008, KCN Thăng Long II đi vào hoạt động, nhưng chủ yếu ưu tiên tiếp nhận dự án đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật Bản, nên việc bố trí mặt bằng để tiếp nhận các nhà đầu tư khác còn nhiều hạn chế.
Thứ hai, chi phí đầu tư ban đầu và các chi phí cho hoạt động của các dự án đầu tư khi đầu tư vào KCN cao hơn so với đầu tư ngoài KCN. Khi đầu tư vào KCN, chủ đầu tư phải trả chi phí thuê lại đất cao hơn nhiều so với các chi phí để có quyền sử dụng đất ngoài KCN, ngoài ra trong quá trình hoạt động các dự án đầu tư trong KCN còn phải trả các khoản phí sử dụng hạ tầng, phí xử lý nước thải…. Điều này đã làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào các KCN, dẫn đến nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn đầu tư ra ngoài KCN.
Thứ ba, chính sách ưu đãi đầu tư vào trong KCN ngày càng thắt chặt hơn. Các dự án đầu tư vào trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không còn được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư theo địa bàn kinh tế xã hội khó khăn về thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2009, và thuế nhập khẩu từ năm 2010. Do đó, các nhà đầu tư thường lựa chọn các địa phương, KKT có địa bàn ưu đãi đầu tư để thực hiện dự án, đảm bảo hiệu quả cao hơn trong hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ tư, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Các khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động tập trung tại khu vực phía Bắc của tỉnh, khu vực này tập trung gần 80% số doanh nghiệp/dự án trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc tuyển dụng lao động tại khu vực này gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở đào tạo nghề, tuy nhiên năng lực đào tạo còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cao.
Thứ năm, công tác xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả, đôi khi còn thụ động. Trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư chủ yếu được thực hiện gián tiếp thông qua báo, đài và Website…các dự án đầu tư thu hút vào trong KCN phần lớn do các chủ đầu tư kinh doanh phát triển hạ tầng KCN thực hiện. Trong khi đó, một số chủ đầu tư xây dựng hạ tầng trong nước cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, nên hiệu quả thu hút đầu tư vào trong KCN chưa cao, đặc biệt là các dự án có quy mô vốn lớn, công nghệ cao và các dự án động lực có khả năng thu hút các dự án khác phát triển. Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được đảm bảo, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư chưa được đào tạo chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm, nên khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn các năm tiếp theo, Ban Quản lý các KCN Hưng Yên cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo mặt bằng tiếp nhận các dự án đầu tư vào các KCN.
- Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các Tổ chức tư vấn xúc tiến đầu tư, các Bộ, ngành trung ương trong hoạt động xúc tiến, vận động thu hút đầu tư vào các KCN tập trung đã được quy hoạch. Ưu tiên thu hút đầu tư vào trong các KCN chủ yếu vào các ngành nghề, lĩnh vực có công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu; phát triển công nghiệp phụ trợ, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án sản xuất các sản phẩm có có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường, có khả năng tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh, góp phần phát triển công nghiệp nhanh theo hướng hiện đại, bền vững, thích ứng và hội nhập với nền kinh tế quốc tế.
- Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các nhà đầu tư hiện có trên địa bàn. Chủ động tổ chức tiếp xúc gặp mặt trực tiếp các doanh nghiệp, nhằm tìm hiểu nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hiệu quả.
- Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động tại Ban Quản lý các KCN tỉnh, đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, đơn giản, gọn nhẹ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động tiếp nhận và quản lý dự án đầu tư. Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, đảm bảo tốt về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
- Tổ chức rà soát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nược về lao động trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển, từng bước gia tăng hàm lượng chất xám trong lao động, đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời nguồn lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật cho các doanh nghiệp Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu tham mưu đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành trung ương bổ sung các KCN của Hưng Yên vào danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư. Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng danh mục dự án, kế hoạch xúc tiến đầu tư cho phù hợp với điều kiện lợi thế của địa phương. Đồng thời, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý đối với các dự án đầu tư ngoài KCN về giá cho thuê đất, thu phí sử dụng hạ tầng chung, phí tiêu thoát nước, phí bảo vệ môi trường… nhằm đảm bảo bình đẳng giữa dự án đầu tư vào trong và ngoài KCN, qua đó khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào trong các KCN tập trung đã có hạ tầng sẵn có./.