Sự hình thành và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã tạo động lực cho không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo công ăn việc làm, góp phần thúc đẩy sự hình thành các đô thị mới, các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ…Việc phát triển KCN trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã tránh được sự phát triển tự phát, phân tán, tiết kiệm được đất và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp gây ra, mặc dù số lượng các dự án đầu tư trong các KCN ngày càng tăng lên. Cùng với quá trình phát triển nhanh của các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã từng bước kiện toàn bộ máy, chức năng nhiệm vụ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các KCN trong phạm vi được giao quản lý.
1. Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ về quản lý và bảo vệ môi trường tại Ban Quản lý.
Được thành lập năm 2003 theo Quyết định số 183/QĐ-TTg ngày 08/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, và Quyết định số 67/2003/QĐ-UB ngày 26/12/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN Hưng Yên. Khi mới thành lập, Ban Quản lý được giao quản lý 02 KCN đã được thành lập, gồm KCN Phố Nối A với quy mô 390 ha và KCN Dệt May - Phố Nối, với quy mô 95 ha. Trong đó, hiện trạng KCN Phố Nối A có 30 dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép và cho thuê đất từ trước. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các KCN tỉnh gồm 03 phòng chức năng: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Quản lý Đầu tư, quy hoạch và môi trường, và Phòng Quản lý Doanh nghiệp, xuất nhập khẩu và lao động với tổng số cán bộ, công chức là 13 người.
Trong giai đoạn từ năm 2003 - 2008, Ban Quản lý các KCN hoạt động theo quy định tại Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, được ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ và thực hiện quản lý về bảo vệ môi trường KCN theo quy định tại Quyết định số 62/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 09/8/2002 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó, Ban quản lý các KCN không phải là cơ quan quản lý trực tiếp về công tác bảo vệ môi trường KCN. Việc quản lý về bảo vệ môi trường KCN chủ yếu do Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (sau này là Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (sau này là Sở Tài nguyên và Môi trường) chịu trách nhiệm chính; Ban Quản lý các KCN chỉ có trách nhiệm phối hợp quản lý theo một số chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn đầu khi mới được thành lập, số lượng các dự án tiếp nhận quản lý trong các KCN vẫn còn ít, chưa được giao trách nhiệm chính trong quản lý môi trường KCN nên Ban Quản lý các KCN chưa tuyển dụng cán bộ có chuyên môn về bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường KCN tại Ban Quản lý do các cán bộ, công chức thuộc Phòng Quản lý Đầu tư Quy hoạch và Môi trường kiêm nhiệm.
Đến năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, theo đó quy định Ban Quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng dẫn hoặc ủy quyền của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau khi Nghị định số 29/2008/NĐ-CP có hiệu lực, Ban Quản lý các KCN đã bố trí cán bộ có chuyên môn, chịu trách nhiệm về quản lý môi trường KCN. Đặc biệt ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 quy định về quản lý và bảo vệ môi trường KKT, KCNC, KCN và CCN, trong đó đã có sự phân công, quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT KCN, trong đó có các Ban Quản lý các KCN. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý các KCN đã thành lập Phòng Quản lý Quy hoạch và Môi trường, trong đó đã tuyển dụng, bố trí 02 cán bộ (01 Thạc sỹ Sinh học; 01 Kỹ sư môi trường) để thực hiện nhiệm vụ quản lý về lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các KCN, bước đầu phù hợp với quy định về tổ chức, bộ máy về quản lý môi trường KCN tại Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Đến nay, Ban Quản lý các KCN đã tiếp nhận thêm 01 kỹ sư môi trường về Phòng Quản lý Quy hoạch và Môi trường, nâng tổng số cán bộ có chuyên môn về bảo vệ môi trường tại Ban lên là 03 người.
Trên cơ sở đã kiện toàn tổ chức, bộ máy về quản lý môi trường KCN theo quy định; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, Ban Quản lý các KCN đã từng bước kiện toàn chức năng, nhiệm vụ về quản lý và bảo vệ môi trường KCN. Năm 2010 Ban Quản lý các KCN đã trình và được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đến năm 2011 đã được UBND các huyện Yên Mỹ, Văn Lâm, Mỹ Hào ủy quyền xác nhận các Bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong các KCN.
2. Tình hình thực thi các nhiệm vụ về quản lý và bảo vệ môi trường tại Ban Quản lý các KCN tỉnh
Qua giai đoạn 10 năm xây dựng và phát triển (2003 - 2013), đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 13 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển các KCN cả nước với tổng quy mô diện tích là 3.684.6ha, trong đó hiện có 03 KCN đã đi vào hoạt động, bao gồm KCN Phố Nối A; KCN Phố Nối B (bao gồm KCN Dệt may Phố Nối và KCN Thăng Long II) và KCN Minh Đức với tổng số dự án đã tiếp nhận là 200 dự án, trong đó có 158 dự án đang hoạt động. Riêng KCN Minh Đức hiện tại do chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa được bàn giao đất nên chưa triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN. Các KCN còn lại, hiện tại các chủ đầu tư hạ tầng KCN đang thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết và bồi thường, giải phóng mặt bằng.
- Công tác tiếp nhận dự án đầu tư: Trong quá trình tiếp nhận các dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban quản lý các KCN chỉ tiếp nhận các dự án có ngành nghề đầu tư phù hợp với ngành nghề trong Báo cáo ĐTM của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các dự án đầu tư không thuộc các ngành nghề đã mô tả trong Báo cáo ĐTM thì trước khi tiếp nhận dự án đầu tư, Ban Quản lý các KCN đều đã thực hiện xin ý kiến cơ quan Nhà nước đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với KCN theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về BVMT: Trong giai đoạn từ 2003 - 2008 và đặc biệt kể từ sau khi Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định về Quản lý và bảo vệ môi trường KCN được ban hành, Ban Quản lý các KCN đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các Doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh dưới nhiều hình thức như: hướng dẫn trực tiếp, ban hành văn bản hướng dẫn và trên chuyên mục bảo vệ môi trường KCN trên Cổng thông tin điện tử của Ban Quản lý để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân…Tuy nhiên, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đến nay, Ban Quản lý các KCN chưa tổ chức được các buổi tập huấn, hội nghị để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT cho các Doanh nghiệp trong KCN.
- Công tác thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường KCN:
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo ủy quyền, kể từ khi được ủy quyền từ năm 2010 đến nay, Ban Quản lý các KCN đã phê duyệt Báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 24 lượt dự án; chấp thuận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường cho 38 lượt dự án; cấp Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp BVMT cho 01 lượt dự án. Nhìn chung việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Trên thực tế hiện nay tại các KCN, số lượng các Doanh nghiệp có dự án đã được phê duyệt Báo cáo ĐTM thực hiện thủ tục đề nghị kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp BVMT trước khi đưa dự án đi vào hoạt động còn rất ít. Đối với các dự án do Ban Quản lý phê duyệt Báo cáo ĐTM, đến nay mới có 02/24 dự án đã và đang triển khai thực hiện thủ tục này.
- Công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT KCN: Trong giai đoạn từ 2003 - 2008, vấn đề phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong các KCN trên địa bàn tỉnh chưa được chú trọng, các cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng hầu như không phối hợp với Ban Quản lý các KCN.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn từ 2008 - 2012, Ban Quản lý các KCN đã thực hiện giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án đối với 71 dự án đầu tư, trong đó có giám sát công tác BVMT. Từ năm 2012, Ban Quản lý các KCN đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác BVMT đối với các dự án được Ban Quản lý xác nhận, đăng ký; 06 tháng đầu năm 2013 đã triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát công tác BVMT đối với 08 lượt dự án. Bên cạnh đó, tính từ năm 2008 đến nay, Ban Quản lý các KCN đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra đối với 85 dự án trong các KCN, trong đó Thanh tra Bộ/Tổng cục Môi trường thực hiện tại: 20 cơ sở; Thanh tra Sở TNMT: 47 cơ sở; Kiểm tra của Chi cục BVMT: 18 cơ sở. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy vẫn còn nhiều Doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về BVMT, còn có các vi phạm, trong đó các vi phạm điển hình như: Không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung đã cam kết trong Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại chưa triệt để, thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh chưa đúng quy định…Qua đó các Đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý cụ thể như xử phạt bằng tiền đối với 36 cơ sở với tổng số tiền lên đến gần 900 triệu đồng và kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung, yêu cầu khắc phục các vi phạm đó.
- Việc tổng hợp thông tin, lập báo cáo tình hình quản lý môi trường KCN định kỳ hàng năm: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 48/2011/TT-BTNMT ngày 28/11/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 quy định về quản lý và bảo vệ môi trường KCN, định kỳ hàng năm Ban Quản lý các KCN đã thực hiện việc tổng hợp các thông tin, số liệu quan trắc môi trường định kỳ tại các KCN do các Chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện để lập báo cáo môi trường định kỳ đối với KCN trên địa bàn tỉnh, gửi đến Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo theo đúng quy định.
3. Đánh giá chung.
Nhìn chung kể từ sau khi Luật BVMT năm 2005 ra đời, Chính phủ và các Bộ ngành cũng đã có nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan đến công tác BVMT nói chung và môi trường KCN nói riêng. Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn được sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế để phù hợp với thực tế công tác BVMT KCN qua đó công tác BVMT ngày càng được nâng cao. Các Thông tư của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định về Quản lý và BVMT KKT, KCNC, KCN và CCN đã có sự phân công, quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT KCN, trong đó có Ban Quản lý các KCN, qua đó đã từng bước giảm được tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý môi trường KCN giữa các cơ quan, tổ chức quản lý môi trường ở địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT trong các KCN cũng đã được chú trọng hơn, số lượng các cuộc thanh tra cũng tăng lên hàng năm, mức xử phạt cũng đã tăng lên, qua đó cũng đã phát hiện và xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp đó khắc phục các ô nhiễm môi trường do mình gây ra, từng bước cải thiện được môi trường tại các KCN, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các KCN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các KCN nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
- Việc xây dựng quy chế công tác quản lý và bảo vệ môi trường KCN: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý có trách nhiệm xây dựng cơ chế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao chủ trì trong công tác bảo vệ môi trường KCN. Tuy nhiên, đến nay Ban Quản lý các KCN chưa xây dựng được cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ môi trường KCN. Năm 2010, Ban Quản lý đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban quản lý các KCN với các cơ quan liên quan trong việc quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 16/2010/QĐ-UBND ngày 18/6/2010, trong đó có việc phối hợp giữa Ban Quản lý và các các cơ quan chức năng (Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, Công an tỉnh) trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường KCN.
Nhìn chung, kể từ sau khi Quy chế phối hợp trên được ban hành, việc phối hợp giữa các Ban Quản lý các KCN và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của tỉnh về một số nội dung như: công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM; xác nhận bản cam kết BVMT; kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành công trình và biện pháp BVMT; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường KCN…cũng đã chặt chẽ, thường xuyên hơn, bước đầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các KCN. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quản lý và bảo vệ môi trường KCN theo Quy chế phối hợp đã được UBND tỉnh ban hành và theo quy định của pháp luật hiện hành trên thực tế vẫn còn một số nội dung chưa được phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, cụ thể:
Về phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm:
Trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN, khi phát hiện vi phạm hành chính, Ban Quản lý các KCN không thể trực tiếp xử lý, xử phạt mà thường phải thông báo tới các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm. Nhiều trường hợp không thể xử lý kịp thời các vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường KCN. Bên cạnh đó, các cuộc thanh tra, kiểm tra của Phòng CSPCTP về môi trường khi tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các dự án trong các KCN trên địa bàn tỉnh chưa phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các KCN.
Ngoài ra, công tác phân công, theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các Kết luận thanh tra đối với các trường hợp vi phạm tại các KCN trên địa bàn tỉnh còn chưa được chú trọng, cơ quan có thẩm quyền khi ra kết luận thanh tra, chưa quy định cụ thể đơn vị, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra của doanh nghiệp có các vi phạm, dẫn đến còn một số doanh nghiệp không khắc phục triệt để các vi phạm nêu trên.
Về tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Công tác phối hợp trong việc tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật BVMT KCN cũng còn nhiều hạn chế. Hàng năm, Sở TN&MT tiến hành tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có các dự án trong các KCN, tuy nhiên chưa có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các KCN.
Vấn đề quan trắc môi trường: Theo quy định của Luật BVMT năm 2005, UBND tỉnh, trong đó Sở TNMT là cơ quan tham mưu có trách nhiệm lập, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh; thực hiện quan trắc môi trường chung của toàn tỉnh, lập báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay Sở TNMT đã lập quy hoạch mạng lưới hệ thống quan trắc cấp tỉnh, nhưng hiện tại chưa được phê duyệt, việc quan trắc môi trường chung của tỉnh, lập báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh chưa được thực hiện. Trong khi đó theo quy định, Ban Quản lý có trách nhiệm định kỳ hàng năm thực hiện tổng hợp thông tin từ các chủ đầu tư hạ tầng KCN để lập báo cáo môi trường định kỳ, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu trong báo cáo. Hiện tại, Ban Quản lý các KCN không có chức năng thực hiện việc quan trắc chất lượng môi trường chung của các KCN, việc quan trắc môi trường chung của tỉnh cũng chưa được thực hiện, các kết quả quan trắc, phân tích môi trường do các doanh nghiệp báo cáo chưa có độ tin cậy cao, chưa phản ánh đúng hiện trạng môi trường chung của các KCN.
- Nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý và BVMT KCN: Hiện nay, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường tại Ban Quản lý các KCN vẫn giao cho Phòng Quản lý Quy hoạch và Môi trường, chưa thành lập riêng Phòng Quản lý Môi trường để thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về quản lý và bảo vệ môi trường KCN. Số lượng cán bộ phục vụ công tác quản lý và BVMT KCN hiện tại còn ít, đa số còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc đầu tư các phương tiện, thiết bị cần thiết cho các cơ quan quản lý môi trường KCN để thực hiện tốt hơn công tác BVMT KCN, đặc biệt là các phương tiện, thiết bị phát hiện nhanh các ô nhiễm môi trường còn chưa được quan tâm.
Hiện tại Ban Quản lý các KCN chưa được phân bổ kinh phí trong nguồn chi cho sự nghiệp môi trường của ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường theo quy định (như tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện xác nhận và kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường).
- Công tác triển khai thực hiện đấu nối tại các KCN trên địa bàn tỉnh: Tại KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện việc đấu nối triệt để nước thải vào hệ thống thu gom chung của KCN và cũng chưa có cơ chế, chế tài cụ thể để xử lý đối với các trường hợp này.
- Một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa thống nhất dẫn đến việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như:
Mặc dù tại Luật BVMT năm 2005 đã quy định hành vi thải mùi độc hại vào không khí là hành vi bị cấm; tại Nghị định 117/2009/NĐ-CP cũng đã quy định mức xử phạt cho hành vi thải mùi hôi thối, mùi khó chịu vào môi trường. Tuy nhiên hiện nay, chưa có quy định cụ thể của pháp luật về việc đánh giá, xác định tiêu chuẩn về mùi hôi, mùi khó chịu có gây ô nhiễm môi trường hay không, ô nhiễm ở mức độ nào…gây khó khăn cho công tác quản lý, phát hiện xử lý vi phạm về hành vi phát thải mùi khó chịu, mùi hôi thối vào môi trường.
Theo quy định về điều khoản chuyển tiếp tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết BVMT; dự án đã đi vào hoạt động chính thức nhưng chưa có giấy xác nhận việc thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM thì trong thời hạn không quá hai (02) năm kể từ ngày 05/6/2011 phải thực hiện lập Đề án BVMT trình cơ quan trình nhà nước thẩm định, phê duyệt hoặc để được đăng ký; lập hồ sơ đề nghị xác nhận các công trình, biện pháp BVMT đã thực hiện gửi cơ quan có thẩm quyền để được kiểm tra, xác nhận. Tuy nhiên, đến nay thời hạn xử lý chuyển tiếp theo quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP đã hết nhưng số lượng các dự án thuộc các đối tượng nêu trên trong các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được xử lý dứt điểm, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể làm căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện.
4. Một số đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về môi trường KCN trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh xin đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, cụ thể như sau:
Thứ nhất. Hoàn thiện về cơ chế, chính sách:
Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về KCN, KCX, KKT để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với KCN, KCX, KKT, đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý các KCN tỉnh, của các chủ đầu tư hạ tầng KCN và kiện toàn bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước về KCN, KCX, KKT ở cấp Trung ương nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quản lý Nhà nước đối với KCN.
Các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động, thẩm quyền của Thanh tra tại các Ban quản lý hoặc bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Ban quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Quản lý các KCN thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
Thứ hai. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực, bồ sung trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý và BVMT KCN
Các Bộ, ngành cần tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo để nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác quản lý môi trường tại các KCN, nâng cao chất lượng công tác thẩm định và hậu thẩm định Báo cáo ĐTM. Đồng thời trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị cần thiết cho các cơ quan quản lý môi trường KCN để thực hiện tốt hơn công tác BVMT KCN, đặc biệt là các phương tiện, thiết bị phát hiện nhanh các ô nhiễm môi trường, đảm bảo kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT.
Sở Tài Chính và Sở Tài nguyên và Môi trường, hàng năm khi dự toán, trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các Sở, ban ngành của địa phương, cần quan tâm, phân bổ nguồn kinh phí cho Ban Quản lý các KCN, tạo điều kiện để Ban Quản lý thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý và BVMT KCN được giao theo quy định của pháp luật.
Thứ ba. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác BVMT tại các KCN, trong thời gian tới kiến nghị UBND tỉnh cần thiết phải chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Quy chế riêng về việc phối hợp trong công tác quản lý về bảo vệ môi trường KCN giữa Ban Quản lý các KCN và các cơ quan có liên quan, trong đó cần tiếp tục thực hiện các nội dung đã phối hợp triển khai tốt và khắc phục các nội dung phối hợp còn hạn chế đã được nêu ra ở trên như về tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm...
Thứ tư. Ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm môi trường KCN. Đối với các Doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối triệt để nước thải vào hệ thống thu gom nước thải chung của KCN, cần có chế tài cụ thể để bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện. Các cơ quan chức năng cần kiên quyết không thực hiện cấp phép xả thải đối với các trường hợp đầu tư trong các KCN đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.
Thứ năm. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xác định tiêu chuẩn về mùi, làm căn cứ để xác định, phát hiện, xử lý vi phạm đối với các trường hợp xả mùi hôi, mùi khó chịu vào môi trường. Đồng thời sớm có hướng dẫn đối với các trường hợp các dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa thực hiện việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Bản cam kết BVMT; dự án đã đi vào hoạt động chính thức nhưng chưa có giấy xác nhận việc thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM làm căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện.