Kính gửi:
- Các Chủ đầu tư hạ tầng KCN;
- Các Doanh nghiệp trong các KCN.
Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm). Những năm qua, Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn được tổ chức thường niên tại Việt Nam, đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố và mọi tầng lớp nhân dân bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực.
Để hưởng ứng Chiến dịch có hiệu quả và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và triển khai văn bản số 2514/STNMT-QLMT ngày 19/9/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh đề nghị các Chủ đầu tư hạ tầng KCN, các Doanh nghiệp trong các KCN thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới cán bộ, công nhân, người lao động thuộc phạm vi quản lý về Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Nghị Quyết số 08-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy về chương trình bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị Quyết số 08-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 169/KH-UBND tỉnh ngày 09/11/2021 tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2026; Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 29/8/2023 về quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025; Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 06/10/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
2. Thực hiện nghiêm việc phân loại chất thải, thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải theo đúng quy định; thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
3. Đẩy mạnh, lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các chương trình đào tạo; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức môi trường, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên. Trang bị các phương tiện bảo hộ cho người lao động; định kỳ tập huấn cho cán bộ, công nhân viên thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, ứng phó sự cố môi trường.
4. Tự rà soát, tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Doanh nghiệp như: việc lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường; Báo cáo công tác bảo vệ môi trường; kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (áp dụng với doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường); xây dựng, vận hành có hiệu quả các công trình xử lý, bảo vệ môi trường.
5. Thường xuyên kiểm tra hiệu quả hoạt động của hệ thống xử lý nước thải, khí thải và bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị xử lý môi trường đảm bảo xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; kiểm tra các trang thiết bị, đảm bảo luôn sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường, phòng, chống cháy nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Trang bị các phương tiện bảo hộ cho người lao động; định kỳ tập huấn cho cán bộ, công nhân viên thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, ứng phó sự cố môi trường.
Đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nhằm hạn chế phát sinh chất thải, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.
6. Tổ chức các hoạt động phù hợp với thực tế tại KCN, tại Doanh nghiệp như: làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom chất thải; tổ chức các Hội thi tìm hiểu về chủ đề môi trường; hội thi trưng bày, làm các sản phẩm tái chế,…; phát động các phong trào: Ngày hội tái chế, Ngày hội sống xanh, Ngày Thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi nilon;
7. Ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại nơi sản xuất, nơi làm việc, khuôn viên đơn vị, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp; trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải.
8. Treo băngzôn, panô, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường để tuyên truyền về chủ đề bảo vệ môi trường tại cổng KCN, cổng chính doanh nghiệp, nơi làm việc…nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường.
Các thông tin, tài liệu truyền thông của Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2024 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ http://www.monre.gov.vn/; Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường địa chỉ https://monremedia.vn/
Ban Quản lý các KCN tỉnh đề nghị các Chủ đầu tư hạ tầng KCN và các Doanh nghiệp trong các KCN triển khai thực hiện có hiệu quả./.
Chi tiết Văn bản số 753/BQL-QHXD&TNMT ngày 27/9/2024 của Ban Quản lý các KCN tỉnh.