Công tác quản lý nhà nước về xây dựng trong các KCN, thực trạng và giải pháp

Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Ban Quản lý các KCN đã thực hiện 87 lượt giám sát xây dựng trong quá trình các doanh nghiệp triển khai thi công xây dựng công trình, qua đó đã phát hiện 21 trường hợp có vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó có 10 trường hợp xây dựng công trình khi chưa có GPXD, 11 trường hợp xây dựng sai nội dung GPXD, tập trung vào các vi phạm chính như: xây dựng công trình không có trong mặt bằng quy hoạch tổng thể đã được Ban quản lý các KCN chấp thuận; tự ý điều chỉnh định vị xây dựng, quy mô diện tích xây dựng công trình; tự ý cơi nới hạng mục công trình, ảnh hưởng đến công tác PCCC...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 KCN với tổng diện tích 3.684,6ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN cả nước, trong đó có 03 KCN đã đi vào hoạt động, tiếp nhận dự án đầu tư, bao gồm:

- KCN Phố Nối A: do Công ty Quản lý khai thác KCN Phố Nối A làm chủ đầu tư, giai đoạn I có quy mô diện tích 390ha, đến nay đã tiếp nhận 118 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 80,5%; giai đoạn mở rộng có quy mô 204,8 ha, đã hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đợt 1 khoảng 60ha, hiện tại chủ đầu tư đang tiến hành thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần còn lại đang được chủ đầu tư tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

- KCN Dệt may Phố Nối (thuộc KCN Phố Nối B): do Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng Dệt may Phố Nối làm chủ đầu tư, giai đoạn I có quy mô khoảng 25,17ha, đến nay đã tiếp nhận 13 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; giai đoạn II có quy mô 94,34ha, chủ đầu tư đang tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN.

- KCN Thăng Long II (thuộc KCN Phố Nối B): do Công ty TNHH KCN Thăng Long II làm chủ đầu tư, giai đoạn I có quy mô diện tích 219,6ha, đến nay đã tiếp nhận 46 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 76%; giai đoạn mở rộng có quy mô 125,6ha đã hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hiện tại chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành việc san lấp mặt bằng và đang tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

- KCN Minh Đức: do Công ty cổ phần phát triển hạ tầng VNT làm chủ đầu tư với quy mô 198ha, hiện tại do chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa được bàn giao đất nên chưa triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN. Tại KCN Minh Đức có 27 dự án đầu tư đã được UBND tỉnh cấp phép và cho thuê đất trước khi thành lập KCN, với diện tích đất đã cho thuê là 38,7ha, đạt 28,5% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của cả KCN.

Các KCN còn lại chưa đi vào hoạt động, hiện tại các chủ đầu tư hạ tầng KCN đang thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết và bồi thường, giải phóng mặt bằng.

1. Tình hình thực thi pháp luật về xây dựng trong KCN:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Trong giai đoạn từ 2003 – 2008, công tác quản lý nhà nước về xây dựng trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/BXD-KTQH ngày 30/7/1997 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/NĐ-CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ đối với việc lập, xét duyệt quy hoạch chi tiết, quản lý quy hoạch xây dựng theo quy hoạch và thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình thuộc các dự án đầu tư vào các KCN, KCX, KCNC, trong giai đoạn này số lượng các dự án đầu tư mới vào các KCN trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, Ban quản lý các KCN cơ bản mới tập trung cao cho công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công cơ sở hạ tầng KCN để tiếp nhận dự án đầu tư, nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng đến các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, bước đầu mới chỉ giới thiệu địa điểm, cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong các KCN.

Kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Bộ xây dựng ban hành Thông tư số 19/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 quy định về quản lý đầu tư xây dựng trong KCN, KKT, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng đến các doanh nghiệp đã từng bước được nâng cao, việc tuyên truyền được thực hiện dưới các hình thức như: hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp; công khai các đồ án quy hoạch KCN, ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng chuyên mục hệ thống văn bản pháp luật, thủ tục hành chính về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng trên Cổng thông tin điện tử của Ban để tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp trong các KCN biết, nghiên cứu thực hiện.

- Việc thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN đã được phê duyệt: Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng KCN, KKT, kể từ năm 2008 đến nay, Ban quản lý các KCN đã tổ chức thẩm định và phê duyệt 01 đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Thăng Long II, phối hợp tham gia góp ý kiến thẩm định đối với 11 lượt đồ án quy hoạch chi tiết KCN, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Ngoài ra trong năm 2012, Ban quản lý các KCN đã tổ chức thẩm định và phê duyệt hiện trạng xây dựng KCN dệt may Phố Nối - giai đoạn I theo ủy quyền của UBND tỉnh và đề nghị của Công ty CP phát triển hạ tầng dệt may Phố nối, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện.

- Việc cấp Chứng chỉ quy hoạch: Ngay từ giai đoạn đầu, khi mới được thành lập, Ban Quản lý các KCN xác định đây là công việc quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu địa điểm đầu tư. Việc cấp Chứng chỉ quy hoạch xây dựng là nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin và số liệu về quy hoạch xây dựng được duyệt cho các tổ chức, cá nhân biết trước khi lập dự án đầu tư, thiết kế xây dựng công trình, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chi tiết KCN đã được phê duyệt, tiết kiệm thời gian và kinh tế cho các nhà đầu tư. Tính đến nay, Ban quản lý các KCN đã cấp 57 lượt chứng chỉ quy hoạch cho các dự án đầu tư vào các KCN. Thủ tục hành chính về việc cấp chứng chỉ quy hoạch được đơn giản hóa về thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong các KCN.   

- Việc cấp GPXD, nhận thông báo khởi công xây dựng công trình trong KCN: Thực hiện quy định tại Thông tư số 04/BXD-KTQH ngày 30/7/1997 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/NĐ-CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ, theo đó giai đoạn từ 2003-2008 Ban Quản lý các KCN không thực hiện việc cấp GPXD đối với các dự án đầu tư vào các KCN, mà chỉ tiếp nhận hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình thuộc các dự án do các chủ đầu tư dự án đăng ký để theo dõi, giám sát trong quá trình chủ đầu tư thi công xây dựng, hoặc căn cứ quy hoạch chi tiết được duyệt để xem xét chấp thuận phương án quy hoạch, kiến trúc các công trình trước khi khởi công xây dựng theo đề nghị của doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2008, Ban Quản lý các KCN đã chấp thuận quy hoạch, kiến trúc công trình cho 51 lượt dự án đầu tư trong các KCN.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế thay thế Nghị định số 36/NĐ-CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 19/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 quy định về quản lý đầu tư xây dựng trong KCN, KKT; UBND tỉnh Hưng Yên đã uỷ quyền cho Ban Quản lý các KCN cấp giấy phép đối với các công trình xây dựng trong các KCN trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 2164/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2009. Kể từ khi được uỷ quyền đến nay, Ban Quản lý các KCN đã cấp 75 lượt giấy phép xây dựng công trình, chấp thuận thông báo khởi công xây dựng công trình cho 09 lượt các dự án đầu tư vào trong các KCN, đảm bảo đúng trình tự theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Việc tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở các dự án nhóm B, C trong các KCN: Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng KCN, KKT, kể từ năm 2008 đến nay, Ban quản lý các KCN đã tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở đối với 03 dự án, tham gia ý kiến đối với 08 dự án nhóm B, C trong các KCN. Công tác thẩm định và tham gia ý kiến được thực hiện đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Sau khi Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có hiệu lực, theo đó quy định “đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình trong phạm vi đô thị do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì người quyết định đầu tư phải lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi phê duyệt dự án. Đối với các dự án khác, việc lấy ý kiến về thiết kế cơ sở do người quyết định đầu tư quyết định khi thấy cần thiết”. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN không yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở, việc tham gia ý kiến được xem xét cùng với việc xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo rút ngắn thời gian triển khai dự án đầu tư cũng như thống nhất về công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch KCN được phê duyệt.  

- Việc kiểm tra, giám sát về trật tự xây dựng: Giai đoạn trước năm 2009, công tác kiểm tra, giám sát về xây dựng trong quá trình doanh nghiệp thi công xây dựng còn buông lỏng, chưa thực hiện thường xuyên. Việc kiểm tra, giám sát về xây dựng thường được lồng ghép qua các đợt kiểm tra, giám sát dự án đầu tư, sau mỗi đợt giám sát cũng đã ghi nhận còn nhiều doanh nghiệp có vi phạm về khoảng lùi xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tích cực đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời đối với các chủ đầu tư dự án có công trình vi phạm, đồng thời hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư.

Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Ban Quản lý các KCN đã thực hiện 87 lượt giám sát xây dựng trong quá trình các doanh nghiệp triển khai thi công xây dựng công trình, qua đó đã phát hiện 21 trường hợp có vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó có 10 trường hợp xây dựng công trình khi chưa có GPXD, 11  trường hợp xây dựng sai nội dung GPXD, tập trung vào các vi phạm chính như: xây dựng công trình không có trong mặt bằng quy hoạch tổng thể đã được Ban quản lý các KCN chấp thuận; tự ý điều chỉnh định vị xây dựng, quy mô diện tích xây dựng công trình; tự ý cơi nới hạng mục công trình, ảnh hưởng đến công tác PCCC...; qua kết quả giám sát Ban quản lý các KCN đã kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục vi phạm, kết quả có 07/10 trường hợp đã đề nghị và được Ban Quản lý các KCN cấp GPXD theo quy định, 03/10 trường hợp do chưa khắc phục triệt để các vi phạm nên Ban quản lý các KCN không cấp GPXD, điển hình như: Công ty CP Kerry integlograted Logistics tại KCN Minh Đức, Công ty TNHH Inox Hưng Thịnh và Công ty CP nội thất Á Châu trong KCN Phố Nối A; đối với 11 trường hợp còn lại thì có 09/11 doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục vi phạm theo yêu cầu của Ban Quản lý các KCN, điển hình như: Công ty CP phát triển công nghệ nông thôn, Công ty CP Hyundai Aluminum Vina, Công ty TNHH Drossapharm Á Châu Việt Nam…đã tự tháo dỡ hạng mục công trình xây dựng vi phạm khoảng lùi xây dựng theo quy hoạch chi tiết KCN đã được phê duyệt…, đồng thời một số doanh nghiệp cũng thực hiện thủ tục điều chỉnh GPXD, điều chỉnh mặt bằng quy hoạch tổng thể đã được chấp thuận, đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên hiện nay vẫn tồn tại một số doanh nghiệp chưa khắc phục triệt để các vi phạm về trật tự xây dựng như: Công ty TNHH kết cấu thép xây dựng Hưng Yên tại KCN Minh Đức; Công ty CP nhựa Opec, Công ty TNHH sản xuất Phúc Lâm, Công ty CP Vinacommodities Hưng Yên…tại KCN Phố Nối A.  

Trong tháng 7/2013, Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra hiện trạng xây dựng đối với 18 doanh nghiệp có công trình xây dựng giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012 trong các KCN, kết quả đã ghi nhận có 10/18 doanh nghiệp xây dựng không đúng nội dung giấy phép xây dựng đã cấp, tập trung vào một số nội dung chính như: Tự ý điều chỉnh định vị xây dựng công trình, điều chỉnh chiều cao, số tầng công trình nhưng không thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh GPXD theo quy định; tự ý cơi nới, xây dựng thêm hạng mục công trình không có trong GPXD đã được cấp; xây dựng công trình vi phạm khoảng lùi xây dựng, xây dựng công trình trên phần diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh làm ảnh hưởng đến công tác PCCC,  cảnh quan, môi trường chung của KCN…

2. Những thuận lợi, khó khăn:

- Thuận lợi: Từ sau khi Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/3/2008 quy định về KCN, KCX và KKT được ban hành, Bộ Xây dựng đã có các Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng KCN, KKT; số 19/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 quy định về quản lý đầu tư xây dựng trong KCN, KKT, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý các KCN đối với công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, làm cơ sở để Ban Quản lý các KCN triển khai thực hiện. Qua đó đã giảm được tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương, việc thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư xây dựng tại Ban quản lý các KCN được đơn giản hóa và thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân đầu tư vào trong các KCN. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng với các Chủ đầu tư hạ tầng các KCN từng bước nâng cao, góp phần hạn chế các vi phạm về quy hoạch, xây dựng trong các KCN.  Công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại các khu công nghiệp được triển khai thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn; đã từng bước hạn chế được tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng tại các KCN, việc kiểm tra, giám sát xây dựng được chú trọng thực hiện thường xuyên và từng bước đi vào nề nếp, bám sát thực tế. Qua  việc giám thường xuyên đã phát hiện kịp thời và tham mưu hướng dẫn bằng văn bản đến nhiều doanh nghiệp biết và thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đảm bảo đúng quy trình, quy định.

- Khó khăn, vướng mắc:

Về công tác xử lý vi phạm: Hiện nay, trong các quy định của pháp luật đã quy định quyền hạn, trách nhiệm của Ban Quản lý các KCN trong việc quản lý về quy hoạch, xây dựng trong các KCN, tuy nhiên lại không quy định chức năng thanh tra, xử lý vi phạm hành chính cho Ban quản lý các KCN. Trong quá trình giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN, khi phát hiện vi phạm về xây dựng Ban quản lý các KCN có thẩm quyền xử phạt trực tiếp hoặc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, nên hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao. Một số Doanh nghiệp chưa nghiêm túc khắc phục các vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc phối hợp trong xử lý vi phạm giữa các cơ quan chưa được đồng bộ, chặt chẽ nên hoạt động này còn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Về theo dõi, quản lý hoạt động xây dựng: Hiện nay, do lực lượng cán bộ chuyên môn theo dõi về lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng tại Ban Quản lý các KCN còn ít (03 biên chế), chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh. Việc theo dõi, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, đối với các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động đa phần chỉ thực hiện quan sát từ bên ngoài, nên rất khó phát hiện doanh nghiệp thực hiện việc cơi nới, xây dựng thêm các hạng mục nhỏ, các công trình phụ trợ bên trong do bị các công trình chính ở phía mặt tiền che khuất, dẫn đến một số trường hợp vi phạm không được phát hiện kịp thời, khi xử lý gặp nhiều khó khăn do công trình đã được đầu tư lớn.

3. Một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về xây dựng trong các KCN trên địa bàn tỉnh:

Qua thực tế công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng tại các KCN trên địa bàn tỉnh, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, Trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên cần triển khai một số giải pháp, cụ thể như sau:

- Thứ nhất: Cần sớm phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh, Điện lực Hưng Yên, các Công ty phát triển hạ tầng KCN để xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, PCCC trong các KCN trình UBND tỉnh ban hành làm căn cứ triển khai thực hiện.

- Thứ hai: Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về quy hoạch, xây dựng tại các KCN, qua đó sớm phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp có các hành vi vi phạm. Trước mắt trong năm 2014 cần phối hợp với Công an tỉnh và Công ty quản lý khai thác KCN Phố Nối A tổ chức rà soát các dự án trong KCN Phố Nối A để xử lý dứt điểm đối với các doanh nghiệp có công trình xây dựng vi phạm khoảng lùi xây dựng, không đảm bảo quy định về PCCC trong KCN.

- Thứ ba: Sắp xếp kiện toàn lại tổ chức bộ máy theo hướng, tách Phòng Quản lý Quy hoạch và Môi trường thành 02 phòng: Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng và Phòng Quản lý Môi trường. Trên cơ sở đó bổ sung biên chế cho Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về trật tự xây dựng trong các KCN; kiểm soát tốt hơn việc dầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật của các dự án thứ cấp vào hạ tầng chung của KCN; hỗ trợ tích cực các Chủ đầu tư trong công tác bồi thường, GPMB trong thời gian tới, đảm bảo tạo quỹ đất công nghiệp và hạ tầng đồng bộ để tiếp nhận các dự án đầu tư vào các KCN trong thời gian tới; tham mưu triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN, các dự án về nhà ở công nhân xung quanh các KCN trong giai đoạn tới;

- Thứ tư: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đến các doanh nghiệp, nhất là các chủ đầu tư dự án mới; bổ sung chuyên mục về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng trên Cổng thông tin điện tử của Ban, đồng thời tích cực đưa tin lên cổng thông tin điện tử của Ban về những doanh nghiệp có vi phạm về trật tự xây dựng trong các KCN để các doanh nghiệp biết và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.

- Thứ năm: Đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về điều kiện xếp hạng I đối với Ban Quản lý các KCN, trên cơ sở đó làm căn cứ để sớm thành lập Phòng thanh tra tại Ban quản lý các KCN để triển khai việc thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về các lĩnh vực đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ban quản lý các KCN theo quy định.