Quy định về thực hiện chế độ giám sát dự án áp dụng đối với các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án sử dụng các nguồn vốn khác.

Theo quy định tại Nghị đinh số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư thì Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án sử dụng các nguồn vốn khác (không bao gồm các dự án đầu tư công, dự án APP, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án đầu tư ra nước ngoài) có trách nhiệm tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra đầu tư (giám sát đầu tư) đối với dự án đầu tư, bao gồm:

Một là: Tổ chức thực hiện giám sát dự án theo quy định; Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của dự án, báo cáo của các nhà thầu liên quan đến việc quản lý thực hiện dự án; Báo cáo kịp thời cơ quan quản lý xử lý các vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền.

Hai là: Lập báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư gửi cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư theo quy định;

Ba là: Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định.

Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật do báo cáo, cung cấp thông tin không chính xác về tình hình thực hiện đầu tư trong phạm vi quản lý.

1. Về tổ chức thực hiện giám sát dự án đầu tư:

Trong quá trình thực hiện dự án, Nhà đầu tư, Tổ chức kinh tế tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án đầu tư theo quy định tại Điều 70, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP. Nội dung tự theo dõi, kiểm tra bao gồm: Tiến độ thực hiện dự án và tiến độ thực hiện mục tiêu của dự án; Tiến độ góp vốn đầu tư, vốn điều lệ, góp vốn pháp định (đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có yêu cầu phải có vốn pháp định); Tình hình khai thác, vận hành dự án: Kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tình hình tài chính của doanh nghiệp và các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động; Việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định; Việc thực hiện quy định tại văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có); Việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các dự án thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Tình hình thực hiện ưu đãi đầu tư (nếu có).

2. Về lập và gửi báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư:

Sau khi tổ chức thực hiện giám sát dự án đầu tư theo quy định, Nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác lập và gửi cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư (đối với các dự án đầu tư trong KCN tỉnh gửi về Ban Quản lý các KCN tỉnh) theo quy định tại khoản 8 Điều 100, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP. Các loại báo cáo và thời gian báo cáo cụ thể như sau:

- Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ 6 tháng; Thời hạn: trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo.

- Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ cả năm theo;  Thời hạn: trước ngày 10 tháng 02 năm sau

- Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án;  Thời hạn: trước khi trình điều chỉnh chương trình dự án.

(Biểu mẫu thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư được điện tử hóa trên Hệ thống và các biểu mẫu này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và công khai tại Cổng thông tin quốc gia về giám sát, đánh giá đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cấp tài khoản dựa trên thông tin đăng ký và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân tham gia Hệ thống. Việc đăng ký tài khoản được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống tại địa chỉ https://taikhoan.mpi.gov.vn)

3. Về cập nhật thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư:

Nhà đầu tư có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

- Khi dự án được phê duyệt đầu tư: Cập nhật thông tin dự án theo Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư vào Hệ thống trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư.

- Trong quá trình thực hiện dự án:

+ Phải cập nhật các thông tin sau chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ khi có điều chỉnh hoặc phát sinh: Phê duyệt điều chỉnh dự án; Phê duyệt, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; Phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu; Hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng; Kế hoạch vốn được cấp; Giá trị nghiệm thu, giá trị giải ngân; Thông tin về đánh giá, kiểm tra; Các báo cáo giám sát, đánh giá dự án.

+ Các thông tin phải cập nhật định kỳ hàng tháng (nếu có phát sinh): Thông tin hình ảnh hoặc phim về hiện trạng thi công tại hiện trường đối với các dự án có cấu phần xây dựng.

+ Các văn bản phải đính kèm bản quét màu văn bản gốc hoặc văn bản điện tử có chữ ký số chuyên dùng lên Hệ thống bao gồm: Quyết định/Chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có); Quyết định đầu tư, Quyết định đầu tư điều chỉnh (nếu có);  Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; Quyết định điều chỉnh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, dự toán (nếu có);  Quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Quyết định phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có); Báo cáo kết quả đánh giá;  Báo cáo kết quả kiểm tra.

- Các thông tin phải cập nhật định kỳ hằng tháng: Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; Thông tin hình ảnh hoặc phim về hiện trạng thi công tại hiện trường đối với các dự án có cấu phần xây dựng.

- Định kỳ hằng quý tổng, hợp thông tin trên Hệ thống và lập báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư của chủ đầu tư, chủ dự án thành phần và gửi cơ quan có thẩm quyền trên Hệ thống.

- Định kỳ hằng năm báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý trên Hệ thống.

- Khi kết thúc chương trình, dự án: Thực hiện cập nhật thông tin quyết toán dự án theo Quyết định phê duyệt quyết toán trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được phê duyệt quyết toán.

4. Về xử lý vi phạm trong giám sát dự án đầu tư

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong giám sát đầu tư đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn khác được thực hiện theo quy định tại Điều 15 NGhị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về sử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư, cụ thể:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Hành vi 1: Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;  

+ Hành vi 2: Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Đối với hành vi 1: Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung;

+ Đối với hành vi 2: Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.