Tổ chức, bộ máy của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên 10 năm nhìn lại.

Thành lập năm 2003 theo quyết định số 183/QĐ-TTg ngày 08/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, và Quyết định số 67/2003/QĐ-UB ngày 26/12/2003 của UBND tỉnh Hưng Yên quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên.

Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh khi thành lập gồm 03 phòng chức năng: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Quản lý Đầu tư, quy hoạch và môi trường, và Phòng Quản lý Doanh nghiệp, xuất nhập khẩu và lao động. Biên chế được giao là 15 người, trong đó, biên chế hành chính là 14 người, và hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 01 người. Đội ngũ cán bộ công chức được kế thừa từ Ban Quản lý dự án các khu công nghiệp tỉnh, gồm: Trưởng ban do 01 đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm, 01 Phó Trưởng ban, 02 công chức chính thức, và 04 lao động hợp đồng. Được giao quản lý 02 khu công nghiệp đã được thành lập, gồm: KCN Phố Nối A, với quy mô diện tích là 390 ha, và KCN Phố Nối B, với quy mô diện tích 95 ha. Trong đó, hiện trạng KCN Phố Nối A có 30 dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép và trực tiếp cho thuê đất, gồm: 25 dự án có vốn đầu tư trong nước và 05 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có nhiệm vụ trọng tâm là trực tiếp quản lý hành chính nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh, theo văn bản uỷ quyền của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, gồm: Quyết định ủy quyền số 429/2004/QĐ-BKH ngày 06/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên trong việc hình thành dự án; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ dự án; cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đầu tư và quản lý hoạt động các dự án đầu tư nước ngoài trong các KCN, KCX. Quyết định ủy quyền số 0634/2004/QĐ-BKH ngày 24/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại uỷ quyền cho quản lý hoạt động XNK và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp khu công nghiệp và Quyết định ủy quyền số 869/QĐ-UB ngày 20/4/2004 của UBND tỉnh Hưng Yên uỷ quyền cho thực hiện chấp thuận đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi được thành lập, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tập trung xây dựng tổ chức, từng bước kiện toàn bộ máy, để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trình thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể để sớm đi vào hoạt động, gồm: thành lập Chi bộ đảng cơ quan, Công đoàn cơ quan và Chi đoàn TNCSHCM Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Đặc biệt giai đoạn này, Ban đã tập trung vào công tác tuyển dụng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức về chuyên môn, kỹ năng hành chính, nhằm sớm ổn định bộ máy tổ chức, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Trong giai đoạn 2004 – 2008, đã thực hiện tiếp nhận, tuyển dụng được 15 công chức; cán bộ công chức được tuyển dụng cơ bản đều có trình độ đại học chính quy, và phù hợp chuyên môn, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm. Tổ chức làm quy trình, thủ tục quyết định bổ nhiệm 05 lượt cán bộ lãnh đạo Ban và lãnh đạo các phòng chức năng. Đã cử trên 50 lượt công chức tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn do các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan của tỉnh tổ chức; cử 06 công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; cử 01 công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.

Đến hết năm 2008, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tuyển dụng được 18 biên chế, trên tổng số 19 biên chế được giao. Nhìn chung, tổ chức bộ máy, cán bộ công chức của Ban cơ bản phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 về Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã xây dựng Đề án kiện toàn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy, trình UBND tỉnh ban hành quyết định số 1307/QĐ-UBND ngày 15/7/2009 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên. Qua đó, chức năng, nhiệm vụ của Ban được quy định cụ thể hơn, được bổ sung thêm một số nhiệm vụ về công tác quản lý quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường và lao động. Bên cạnh đó, phạm vi, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ban cũng rộng hơn; cụ thể là đến năm 2008, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có thêm 02 khu công nghiệp đi vào hoạt động, nâng tổng số lên 04 khu công nghiệp Ban được giao nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, (gồm: KCN Phố Nối A, KCN Thăng Long II, KCN Dệt May Phố Nối và KCN Minh Đức). Các KCN này đã tiếp nhận khoảng gần 120 dự án đầu tư.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban được sắp xếp lại gồm: Văn phòng ban và 04 phòng chuyên môn (Phòng Quản lý Đầu tư, Phòng Quản lý Quy hoạch - Môi trường, Phòng Quản lý Lao động và Phòng Quản lý Doanh nghiệp). Giai đoạn 2009÷ 2012 UBND tỉnh tiếp tục giao bổ sung cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thêm 07 biên chế hành chính và 01 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Như vậy, tổng số biên chế của Ban được giao đến nay là 27 người. Trong đó, biên chế hành chính là 25 người, và hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 02 người.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục tổ chức tuyển dụng bổ sung cán bộ công chức theo định biên, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các phòng chức năng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức chuyên môn, kỹ năng quản lý hành chính, lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu, nhu cầu sử dụng cán bộ. Trong giai đoạn 2009÷ 2012, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tiếp nhận, tuyển dụng bổ sung thêm 11 công chức, đồng thời cũng làm thủ tục chuyển công tác, nghỉ hưu cho 04 người. Trong giai đoạn này, Ban đã cử trên 70 lượt công chức tham dự các khóa học, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ do các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan của tỉnh tổ chức. Trong đó, cử 04 công chức tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính, 01 công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, 01 công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, 08 công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, 02 công chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư lưu trữ; tạo điều kiện cho 04 lượt công chức tham gia các khóa đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và 01 công chức học đại học hệ tại chức; và có trên 50 lượt cán bộ công chức được cử đi tham gia các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo đào tạo chuyên môn, do Tỉnh, các Bộ ngành trung ương tổ chức.

Công tác xây dựng quy hoạch và rà soát quy hoạch đều được thực hiện hàng năm, để xây dựng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ phục vụ công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo các phòng chuyên môn. Trong giai đoạn 2009÷ 2012, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã thực hiện việc điều động, làm quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm 05 lượt Trưởng phòng và 06 lượt Phó Trưởng phòng và tương đương. Quy trình thực hiện đều đã đảm bảo đúng trình tự, đối tượng và tiêu chuẩn theo quy định. Việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh trong thời gian qua chưa có trường hợp nào gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

Đến nay, số biên chế chính thức có mặt là 25 người, gồm: 23 công chức hành chính, được bố trí ở các bộ phận chức năng và 02 lái xe, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Trong đó: Công chức theo chức vụ lãnh đạo Ban có 03 người; theo chức vụ lãnh đạo các phòng chức năng 05 người; và theo chức danh chuyên môn 15 người. Về trình độ đào tạo: 06 người có trình độ thạc sĩ, 14 người có trình độ đại học, 03 người có trình độ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Số công chức này cơ bản đều đã hoàn thiện xong chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, đều có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chuyên môn.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp  trên địa bàn tỉnh, ngày 14/4/2010 UBND tỉnh Hưng Yên đã quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ đầu tư khu công nghiệp trực thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp (Quyết định số 807/QĐ-UBND), với định biên ban đầu là 05 người và năm 2012 đã được bổ sung thành 08 biên chế. Ngay sau khi được thành lập, cũng như được bổ sung biên chế, Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ đầu tư khu công nghiệp đều tuyển dụng đủ số viên chức theo định biên. Tổng số biên chế chính thức của Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ đầu tư khu công nghiệp có mặt hiện nay là 08 người, đảm bảo theo đúng số lượng biên chế đã được UBND tỉnh định biên. Trong đó, 06 người có trình độ đại học, 02 có trình độ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Số cán bộ viên chức này đều có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.

Để bộ máy hoạt động hiệu quả, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã ban hành một số Quy chế hoạt động, như: Quy chế làm việc; Quy chế Đánh giá cán bộ công chức tại Ban; Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý, sử dụng tài sản công; Quy chế công tác lưu trữ; Quy chế công tác văn thư; Quy chế Thi đua khen thưởng của Ban; Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Ban. Trong quá trình vận hành, các Quy chế này đều được cập nhật, chỉnh sửa bổ sung, thay thế cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế triển khai, được thực hiện trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý của cán bộ công chức, viên chức tại Hội nghị cán bộ công chức, viên chức hàng năm. Qua đó, đã phân công, quy định cụ thể chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí công tác, cũng như nhiệm vụ phối hợp trong giải quyết công việc giữa các đơn vị, cá nhân thuộc Ban. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 trong hoạt động của cơ quan, đáp ứng được các yêu cầu, quy định của pháp luật về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh.

Song song với việc tuyển dụng, tiếp nhận bổ sung cán bộ công chức, viên chức, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ, đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật, đồng thời khuyến khích, động viên cán bộ tích cực học tập, công tác đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở Quy chế đánh giá cán bộ công chức đã được ban hành, hàng tháng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đều thực hiện đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ công chức, và được công bố công khai. Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để xem xét bổ sung thu nhập, khen thưởng, kỷ luật hàng năm, bố trí, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Các chính sách khác đối với công chức, viên chức, như nâng lương, nâng ngạch, khen thưởng, bổ sung thu nhập từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách được giao hàng năm được thực hiện tốt, đúng các quy định của pháp luật.

Nhìn chung 10 năm qua, công tác xây dựng tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN tỉnh bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ: Tổ chức bộ máy cơ quan được kiện toàn phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao qua từng thời kỳ, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh; Đội ngũ công chức từng bước được bổ sung, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc, đạo đức nghề nghiệp; Chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức nói chung đã được Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện theo đúng các quy định hiện hành; Các Quy chế hoạt động được ban hành đầy đủ, và sửa đổi bổ sung kịp thời, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN tỉnh thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Công tác kiện toàn một số vị trí lãnh đạo các phòng chuyên môn, kiện toàn tổ chức việc làm tại một số phòng chuyên môn còn chậm, đến nay vẫn còn 02/06 đơn vị thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chưa có trưởng phòng (mới có phó trưởng phòng phụ trách). Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ công chức được tuyển dụng đa phần đều mới, kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm quản lý còn ít, chưa đáp ứng được các yêu cầu của vị trí lãnh đạo bộ phận.

- Việc sắp xếp, bố trí cơ cấu bộ máy của Ban đang bộc lộ một số bất cập. Cụ thể là Phòng Quản lý Quy hoạch và Môi trường hiện nay đang có dấu hiệu quá tải, do phải thực hiện nhiệm vụ quản lý ở hai lĩnh vực lớn, đó là công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Với số lượng dự án đầu tư vào các khu công nghiệp ngày càng nhiều (đến nay đã có trên 200 dự án đầu tư tại các khu công nghiệp còn hiệu lực, so với khoảng gần 120 dự án vào đầu năm 2009), cùng với yêu cầu đẩy mạnh công tác hậu kiểm, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý xây dựng ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục bổ sung lực lượng công chức, đồng thời cần bố trí lại tổ chức để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Phòng Quản lý Lao động hiện nay khối lượng công việc không nhiều, hàng tháng phát sinh rất ít nghiệp vụ, công việc. Nguyên nhân chủ yếu là do quy định về chức năng nhiệm vụ của các Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về lao động chưa thật rõ ràng. Đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh còn chưa được ủy quyền đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Một số nhiệm vụ chưa được ủy quyền như cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp; tổ chức thực hiện đăng ký nội quy lao động, nội quy an toàn vệ sinh, một số nhiệm vụ… Hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ chính của Phòng Quản lý Lao động hiện nay chủ yếu liên quan đến công tác tổng hợp, báo cáo thống kê tình hình sử dụng lao động, chấp hành pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp khu công nghiệp; tham gia phối hợp thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực lao động, việc làm... Trong khi đó, hiện nay Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh còn có Phòng Quản lý Doanh nghiệp, với chức năng nhiệm vụ chính là tham mưu lãnh đạo Ban công tác quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực sau cấp phép đầu tư. Thời gian qua, Phòng Quản lý Doanh nghiệp cũng bị cắt giảm một số chức năng nhiệm vụ, không tiếp tục được phân cấp, ủy quyền thực hiện, như: lĩnh vực công chứng, chứng thực... Một trong những nhiệm vụ chính của Phòng hiện nay cũng là tiếp nhận, tổng hợp báo cáo thống kê từ các doanh nghiệp khu công nghiệp. Việc song song tồn tại nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp báo cáo thống kê, đối với cùng một đối tượng là các doanh nghiệp khu công nghiệp của 02 phòng chuyên môn thuộc Ban như trên là chưa hợp lý, đôi khi còn là rào cản, phát sinh thêm thủ tục cho doanh nghiệp khu công nghiệp. Trường hợp, nếu không được bổ sung nhiệm vụ trong thời gian tới, thì các phòng chuyên môn này cũng cần bố trí lại tổ chức cho phù hợp, nhằm tinh giảm được một số vị trí việc làm, qua đó có thể bố trí, sắp xếp lại cán bộ công chức nhằm giảm tải cho một số bộ phận, đơn vị khác thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

- Việc bố trí 01 biên chế làm Văn thư kiêm thủ quỹ như hiện nay không còn phù hợp, đang có dấu hiệu quá tải. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản vào hoạt động, và thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh triển khai phần mềm gửi nhận văn bản giữa các cơ quan trên Cổng thông tin điện tử. Việc thực hiện đồng thời hai hệ thống gửi nhận văn bản giấy và điện tử đã dẫn đến khối lượng công việc của văn thư tăng khá lớn, do phải thực hiện sao, quét văn bản đến, văn bản đi, gửi đồng thời văn bản đi qua bưu điện và qua môi trường mạng.

- Công tác tuyển dụng công chức còn chậm. Có giai đoạn 04 năm tỉnh mới tổ chức thi tuyển một lần, dẫn đến việc bổ sung đội ngũ công chức chưa kịp thời. Đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp còn 02 biên chế chưa tuyển dụng được, dẫn đến một số nhiệm vụ thực hiện hiện hạn chế như công tác tổ chức triển khai công tác thi đua- khen thưởng. Hiện nay công tác này do Chánh Văn phòng Ban kiêm nhiệm tổ chức thực hiện; không có cán bộ công chức chuyên trách làm đầu mối theo dõi thực hiện, dẫn đến thời gian qua việc tổ chức triển khai công tác thi đua- khen thưởng mới chỉ tập trung thực hiện trong nội bộ cơ quan, còn chưa tổ chức triển khai công tác này cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tổ chức các phong trào thi đua tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

- Một số công chức thực hiện nhiệm vụ còn có nhiều hạn chế, còn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, còn có vi phạm quy định về cải cách hành chính. Nguyên nhân chủ yếu là do một số công chức có trình độ lý luận cơ bản còn yếu, kỹ năng tổng hợp, nghiên cứu tích lũy kinh nghiệm còn hạn chế; còn có tư tưởng so bì; không có tinh thần cầu tiến, cầu thị, tinh thần tích cực, chủ động trong công việc; làm việc còn qua loa đại khái; chưa có tinh thần tự giác học tập, tự đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, thu nhập từ lương còn thấp, đời sống vật chất của cán bộ công chức còn có nhiều khó khăn. Trong khi đó, chính sách thu nhập từ tiền lương nói chung hiện nay còn mang tính "bình quân chủ nghĩa", chưa tạo được sự thúc đẩy cạnh tranh giữa các cán bộ công chức, dẫn đến tình trạng vẫn còn cán bộ công chức ỷ lại dựa dẫm vào cấp trên, chưa có ý thức phấn đấu vươn lên. Công tác kiểm tra, giám sát thực thi công vụ của công chức đôi lúc còn chưa chặt chẽ, thường xuyên, xử lý vi phạm còn nương nhẹ.

Để tiếp tục hoàn thiện hơn công tác tổ chức, bộ máy cơ quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, thời gian tới Ban Quản lý các KCN cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục hoàn thiện các Quy chế hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 trong hoạt động của cơ quan, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, quy định của pháp luật về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước.

- Sắp xếp kiện toàn lại tổ chức bộ máy theo hướng, tách Phòng Quản lý Quy hoạch và Môi trường thành 02 phòng: Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng và Phòng Quản lý Môi trường. Đồng thời hợp nhất phòng Quản lý Lao động và phòng Quản lý Doanh nghiệp, thành Phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động.

- Kiện toàn một số vị trí việc làm cho phù hợp với thực tế hiện nay, phân công sắp xếp lại một số vị trí việc làm, tuyển dụng bổ sung biên chế còn thiếu, trong đó chú trọng đến việc tiếp nhận công chức đã có kinh nghiệm để sớm đáp ứng được yêu cầu, hoàn thiện vị trí việc làm; đặc biệt là việc bố trí sắp xếp được cán bộ công chức chuyên trách theo dõi về công tác thi đua- khen thưởng, kiêm thủ quỹ cơ quan và hỗ trợ nhân viên văn thư sao, quét công văn đi, công văn đến hàng ngày.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ quản lý, nhất là chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị ở trình độ trung cấp và cao cấp. Phấn đấu đến năm 2015, cử ít nhất 05 công chức đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên, 04 công chức giữ ngạch chuyên viên tham gia và hoàn thành chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên chính, 10 lượt công chức đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ công tác, ngoại ngữ, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế và kiến thức đối ngoại theo các chương trình, đề án của các Bộ ngành, các cơ quan Trung ương, của Tỉnh hoặc đi đào tạo ở trình độ Đại học, sau Đại học…

- Chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các phòng chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, kết hợp thực hiện quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ trong cơ quan. Từng bước bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo các phòng chuyên môn. Chậm nhất đến 2015 tất cả các phòng, đơn vị trực thuộc được kiện toàn bộ máy lãnh đạo phòng theo Đề án về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

- Tập trung đấy mạnh hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ công chức. Đổi mới phương pháp nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng: tăng cường đối thoại, trao đổi trong nghiên cứu, học tập Nghị quyết để nâng cao tính chủ động của cán bộ đảng viên, công chức trong tự nghiên cứu, học tập; đổi mới, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong thực hiện cuộc vận động học tập làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền địa phương. Nâng cao hiệu quả cơ chế giám sát của nhân dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của Ban, xử lý nghiêm đối với những trường hợp cán bộ công chức, viên chức vi phạm.